Bảo hiểm tài sản là gì và những quy định cần biết về bảo hiểm tài sản

Bảo hiểm tài sản là gì và những quy định cần biết về bảo hiểm tài sản

Published on
11/10/2024

Cuộc sống luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường, có thể gây tổn thất cho tài sản của bạn. Bảo hiểm tài sản ra đời như một giải pháp hữu ích giúp bạn an tâm hơn trước những sự cố bất ngờ, bảo vệ tài sản và giảm thiểu tối đa gánh nặng tài chính. Vậy, bảo hiểm tài sản là gì? Cùng tìm hiểu nội dung ở bài viết này nhé!

 

Bảo hiểm tài sản là gì? 

Bảo hiểm tài sản là một loại hình bảo hiểm phi nhân thọ đã được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Bảo hiểm tài sản giúp bảo vệ tài sản của cá nhân hoặc doanh nghiệp khỏi những rủi ro nhất định, như cháy nổ, hỏa hoạn, thiên tai, mất mát do trộm cắp, va chạm, hay các nguy cơ khác gây tổn thất hoặc hư hại tài sản.

 

Khi tham gia bảo hiểm, bên mua sẽ đóng phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm và công ty sẽ cam kết bồi thường cho bên được bảo hiểm khi tài sản bảo hiểm gặp rủi ro trong phạm vi bảo hiểm dẫn đến tổn thất.

 

Các hình thức bồi thường dành cho bảo hiểm tài sản bao gồm trả tiền mặt bằng giá trị, thay thế hoặc sửa chữa tài sản nếu có khả năng. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp khách hàng đều được trả tiền mặt để bồi thường.

 

bảo hiểm tài sản hình 1

Bảo hiểm tài sản giúp đảm bảo tài sản của cá nhân và doanh nghiệp trước mọi rủi ro

 

Đối tượng và mục đích của hợp đồng bảo hiểm tài sản 

Theo quy định tại Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023), đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, bao gồm:

+ Những vật hữu hình: nhà cửa, kho, xưởng, máy móc, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển, các loại hàng hóa, …

+ Tiền và các loại giấy tờ có trị giá quy đổi được thành tiền.

+ Quyền tài sản: quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất.

 

Mục đích của bảo hiểm tài sản là giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phòng ngừa những rủi ro có thể bất ngờ xảy đến trong tương lai mà chúng ta không thể dự báo trước nhằm hạn chế tổn thất, bảo toàn vốn sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của người tham gia bảo hiểm.

 

Khi xảy ra rủi ro, sự cố thuộc phạm vi bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người được bảo hiểm theo các khoản mục được đưa ra trong hợp đồng bảo hiểm.

 

Tùy vào mức bảo hiểm bạn tham gia mà các khoản bồi thường có thể lên đến tổng toàn bộ giá trị tài sản bị thiệt hại của bạn. Điều này phần nào giúp bạn san sẻ gánh nặng tài chính và những áp lực phải đối mặt và có thể yên tâm tập trung khắc phục hậu quả sau khi xảy ra rủi ro.

 

Đặc điểm của bảo hiểm tài sản 

Dưới đây sẽ là đặc điểm nổi bật của bảo hiểm tài sản bạn nên biết:

 

1. Bên mua bảo hiểm phải chứng minh quyền sở hữu với tài sản được bảo hiểm 

Đối với đối tượng bảo hiểm là tài sản, thì quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản chính là quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản.

 

Mối liên hệ đầu tiên được pháp luật công nhận là chủ sở hữu. Tiếp đến là người có quyền lợi và trách nhiệm trước tài sản đó như người mượn, thuê, được giao quản lý tài sản… Đây là những người có quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản. Họ được tham gia giao kết và hưởng lợi từ bảo hiểm của tài sản đang nói đến, dựa trên thỏa thuận chung và tuân theo quy định của pháp luật.

 

2. Hợp đồng bảo hiểm tài sản là một loại hợp đồng bồi thường

Với mục đích bồi thường, mệnh giá bảo hiểm không được vượt quá giá trị thị trường của tài sản tại thời điểm ký kết hợp đồng. Để đảm bảo mục tiêu này, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về 3 trường hợp định giá hợp đồng bảo hiểm như sau:

+ Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị: Là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm không được cố ý giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.

+ Hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị: Là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.

+ Hợp đồng bảo hiểm trùng: Là trường hợp có từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng phạm vi, đối tượng, thời hạn và sự kiện bảo hiểm mà tổng số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

 

Tương ứng với từng trường hợp trên, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm sẽ có quyền và nghĩa vụ khác nhau, tham khảo nội dung mục 3. Quy định về việc bồi thường bảo hiểm theo giá trị tài sản ở bài viết này nhé.

 

3. Thời hạn bảo hiểm và phí bảo hiểm 

Bảo hiểm tài sản có thời hạn ngắn, thông thường chỉ một năm. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng thường tạo điều kiện thuận lợi, lược đi những bước không cần thiết khi khách hàng muốn tái tục vào năm tiếp theo.

 

Phí bảo hiểm được tính theo tỷ lệ % trên giá trị của tài sản bảo hiểm, xác suất xảy ra rủi ro và các chế độ khác người mua được hưởng. Phí bảo hiểm có thể được đóng một lần hoặc định kỳ theo thỏa thuận của hợp đồng bảo hiểm.

 

Các loại bảo hiểm tài sản 

 

1. Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc 

Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là loại hợp đồng bảo hiểm đáp ứng được yêu cầu thiết thực nhất cho cá nhân, tổ chức nộp bảo hiểm và thực hiện đúng theo yêu cầu pháp lý của Chính phủ.

 

Đối tượng được bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm) được quy định tại Điều 23 Nghị định 67/2023/NĐ-CP.

 

Phạm vi bảo hiểm gồm tổn thất vật chất và tài sản được quy định trong thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên, khi có phát sinh cháy nổ không thể lường trước.

 

2. Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt khác 

Trong nhiều trường hợp, tài sản không hẳn là do cháy thông thường mà với bảo hiểm này, chủ doanh nghiệp sẽ còn được đảm bảo khắc phục bồi thường mất mát tài sản bởi những rủi ro đặc biệt khác.

 

Đối tượng tham gia bảo hiểm tài sản này bao gồm: tài sản, vật tư, kho hàng, nguyên vật liệu, trụ sở, nhà cửa của các xí nghiệp, trung tâm thương mại, khách sạn, các văn phòng dịch vụ thương mại.

 

Phạm vi bảo hiểm sẽ gồm rủi ro cháy nổ, máy bay rơi, đình công, động đất, giông bão, lũ lụt, thiệt hại do nước tràn bể chứa, đường ống dẫn nước bị vỡ, tài sản là ô tô và hàng hoá khi bị đâm vào động vật hay xe cơ giới khác…

 

3. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển

Bảo hiểm hàng hóa có thể hiểu là một cam kết bồi thường do người bán bảo hiểm bồi thường cho người mua bảo hiểm khi hàng hóa vận chuyển gặp phải tổn thất hoặc hư hỏng do những rủi ro bất khả kháng gây ra (như mưa bão, lũ lụt, cháy nổ…).

 

Đối tượng bảo hiểm hàng hóa ở đây là các loại hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy, đường hàng không,...

 

Theo quy định tại Điều 36 Luật Thương mại 2005, nghĩa vụ mua bảo hiểm hàng hóa sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Nếu tiền hàng mà người mua hàng phải trả có cả phí bảo hiểm hàng hóa thì người bán có nghĩa vụ mua bảo hiểm và thanh toán phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ngược lại, nếu tiền hàng chưa bao gồm phí bảo hiểm thì người mua bảo hiểm hàng hoá là người mua hàng. Trường hợp bên bán không có nghĩa vụ mua bảo hiểm hàng hoá trong quá trình vận chuyển, nếu bên mua có yêu cầu thì bên bán phải cung cấp cho bên mua những thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá và việc vận chuyển hàng hoá để tạo điều kiện cho bên mua mua bảo hiểm cho hàng hoá đó.

 

4. Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh 

Đây là giải pháp tối ưu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhằm hạn chế tối đa các rủi ro khi công việc kinh doanh, sản xuất bị ngưng trệ do thiệt hại tài sản. Với loại hình bảo hiểm này, chủ doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục tồn tại, vực dậy thành công sau thất bại.

 

Đối tượng của bảo hiểm gián đoạn kinh doanh bao gồm: Văn phòng, nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất của doanh nghiệp, hàng tồn kho, các tài sản khác, lợi nhuận bị mất và chi phí phát sinh do hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, gián đoạn. Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh giúp bảo vệ doanh nghiệp trước những rủi ro của cháy nổ, thiên tai, tai nạn, gián đoạn hoạt động của nhà cung cấp/ khách hàng.

 

Phạm vi bảo hiểm quy định người được bảo hiểm vẫn phải tiếp tục chi trả trong khi hoạt động kinh doanh gặp vấn đề trục trặc hoặc bị ảnh hưởng bởi sự cố tổn thất tài sản. Lợi nhuận và chi phí cố định sẽ được xem là nền tảng cụ thể xác định số tiền bảo hiểm.

 

bảo hiêm tài sản là gì hình 2

Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp

 

5. Bảo hiểm nhà tư nhân 

Bảo hiểm nhà tư nhân là loại hình bảo hiểm phi nhân thọ khá phổ biến, cung cấp sự bảo vệ toàn diện đối với tổn thất hoặc thiệt hại liên quan đến ngôi nhà hoặc tài sản gây ra bởi hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt.

 

Bên cạnh đó, bảo hiểm nhà tư nhân cũng bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba và tai nạn cá nhân cho các thành viên trong gia đình bao gồm:

+ Bồi thường cho trường hợp có khiếu nại của bên thứ ba về sự cố gây ra tử vong hoặc thương tật thân thể và/hoặc thiệt hại tài sản xảy ra tại hoặc gần địa điểm bảo hiểm trong thời hạn bảo hiểm và liên quan đến quyền sở hữu hoặc sử dụng căn nhà.

+ Bồi thường cho trường hợp các thành viên trong gia đình thường trú cùng với chủ hợp đồng tại địa điểm bảo hiểm (tuổi từ 5 đến 65 tuổi) bị tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn tại bất cứ nơi đâu trong giới hạn địa lý do tai nạn, và thanh toán chi phí y tế đến 10% số tiền bảo hiểm chính cho mỗi người. 

 

Các rủi ro được bảo hiểm bao gồm: cháy, nổ; sét đánh; động đất, giông bão, lũ lụt; tràn nước từ bể chứa, thiết bị chứa nước hoặc đường ống dẫn nước; rò rỉ từ hệ thống vòi phun tự động; thiệt hại do đâm va; Trộm cắp.

 

Một số quy định của bảo hiểm tài sản 

 

1. Quy định về an toàn với tài sản được bảo hiểm

Căn cứ Điều 55 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, người được bảo hiểm phải thực hiện đủ các quy định về an toàn lao động, PCCC, vệ sinh lao động và những quy định liên quan khác để đảm bảo đối tượng được bảo hiểm luôn an toàn.

 

Doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm có quyền kiểm tra các điều kiện an toàn trên, để khuyến nghị, yêu cầu người được bảo hiểm phải áp dụng các biện pháp an toàn cho đối tượng được bảo hiểm.

 

Trường hợp người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó. Nếu hết thời hạn này mà các biện pháp bảo đảm an toàn vẫn không được thực hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

 

2. Quy định thông báo khi sự kiện bảo hiểm xảy ra 

Căn cứ điều 46 và 47 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, bên mua bảo hiểm phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm về sự kiện bảo hiểm xảy ra theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ này, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền giảm trừ số tiền phải bồi thường bảo hiểm tương ứng với thiệt hại mà doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

 

Tuy nhiên, nếu hợp đồng bảo hiểm không có thỏa thuận về trách nhiệm của bên mua, các biện pháp chế tài trong việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ thông báo về sự kiện bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không được áp dụng quyền giảm trừ số tiền bồi thường.

 

3. Quy định về việc bồi thường bảo hiểm theo giá trị tài sản

Căn cứ điều 47, 48, 49 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm cần lưu ý 3 trường hợp sau:

 

- Hợp đồng bảo hiểm trên giá trị tài sản: Là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không được cố ý giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm thì:

+ Nếu chưa xảy ra sự kiện bảo hiểm: doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

+ Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm: doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra thiệt hại và phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

 

- Hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị tài sản: Là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo tỷ lệ tương ứng với số tiền bảo hiểm và giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hoặc thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

 

- Hợp đồng bảo hiểm trùng: Là trường hợp có từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng phạm vi, đối tượng, thời hạn và sự kiện bảo hiểm mà tổng số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, số tiền bồi thường của mỗi hợp đồng bảo hiểm được tính tương ứng theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thoả thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng mà bên mua bảo hiểm đã giao kết. Tổng số tiền bồi thường của các hợp đồng bảo hiểm không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế của tài sản.

 

4. Quy định về thời gian xử lý bồi thường bảo hiểm tài sản

Căn cứ Điều 30 và Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 về hợp đồng bảo hiểm

 

Đối với bên mua yêu cầu bồi thường thì thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường là một năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm. Nếu người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng chứng minh được rằng không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thời hạn được tính từ ngày người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm đó. Hoặc nếu người thứ ba yêu cầu bên mua bảo hiểm bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì thời hạn được tính từ ngày người thứ ba yêu cầu.

 

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

 

Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về bảo hiểm tài sản là gì, từ khái niệm và các loại, đến cách tính phí và quy định liên quan đến quy trình bồi thường. Việc hiểu rõ về bảo hiểm tài sản giúp chúng ta đưa ra các quyết định thông minh về việc bảo vệ tài sản của mình và quản lý rủi ro. Bằng cách chọn lựa một chương trình bảo hiểm phù hợp và tuân thủ các quy định và thủ tục liên quan, chúng ta có thể đảm bảo rằng tài sản của mình được bảo vệ một cách hiệu quả và có kế hoạch sẵn sàng để đối phó với bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.