Đồng bảo hiểm là gì

Đồng bảo hiểm là gì? Phân biệt đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm

Published on
26/11/2023

Đồng bảo hiểm là gì? Đây là một khái niệm quan trọng mà nhiều người vẫn còn mơ hồ khi bước vào thế giới của bảo hiểm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá và hiểu rõ hơn về khái niệm quan trọng này, giúp bạn tự tin hơn trong việc quản lý tài sản và bảo vệ mình trong tương lai.

 

Khái niệm đồng bảo hiểm

 

Theo Khoản 29, Điều 4, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022: Đồng bảo hiểm là trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cùng thống nhất giao kết với bên mua bảo hiểm trên một hợp đồng bảo hiểm, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nhận phí bảo hiểm và bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo tỷ lệ đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”.

Ý nghĩa của đồng bảo hiểm

Từ khái niệm trên có thể hiểu ý nghĩa của đồng bảo hiểm là sự chia sẻ rủi ro giữa hai hoặc nhiều công ty bảo hiểm cho một đối tượng tham gia bảo hiểm. Khi đó, các công ty bảo hiểm sẽ cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm theo một tỷ lệ thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm.

 

Nhờ có đồng bảo hiểm các doanh nghiệp giảm thiểu được rủi ro tài chính khi tập trung vào một hoặc một số hợp đồng với số tiền bảo hiểm quá lớn.

 

dong-bao-hiem-la-gi-hinh1

Ý nghĩa đồng bảo hiểm là sự chia sẻ rủi ro

 

Khi nào cần đồng bảo hiểm? 

 

Ở Việt Nam, thông thường các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện đồng bảo hiểm đối với những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn như bảo hiểm máy bay, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm cho các tài sản có giá trị lớn như nhà cửa.

 

Một ví dụ cụ thể cho trường hợp đồng bảo hiểm là tổng Công ty trực thăng Việt Nam ký hợp đồng bảo hiểm hàng không năm 2022 - 2023 với liên danh bảo hiểm PVI - Bảo Việt - MIC, gồm bảo hiểm thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của Hãng đối với hành khách và bên thứ ba, bảo hiểm tai nạn cho phi công. Trong vụ rơi máy bay trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650 ngày 5/4/2023, cả 3 doanh nghiệp bảo hiểm này sẽ phải chi trả bồi thường cho Công ty trực thăng Việt Nam và gia đình nạn nhân. Trong đó PVI là nhà bảo hiểm gốc đứng đầu và có thể phải chi trả số tiền cao nhất trong 3 công ty.

 

Ở nước Mỹ, không chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm cùng chia sẻ rủi ro, đồng bảo hiểm cũng có thể là sự chia sẻ rủi ro giữa người mua bảo hiểm và bên bảo hiểm, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe.  Ví dụ, một người mua bảo hiểm sức khỏe, sau khi đã đạt đến khoản khấu trừ hàng năm, người đó có thể phải chịu trách nhiệm thanh toán một phần trong tổng hóa đơn dưới hình thức đồng bảo hiểm. Nhiều công ty bảo hiểm hoạt động theo chương trình đồng bảo hiểm 80/20. Tức là người mua bảo hiểm chịu 20% chi phí cho các hóa đơn thuốc, viện phí,...

 

Phân biệt đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm

 

Đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm đều là các hình thức để các công ty bảo hiểm phân tán rủi ro. Tuy nhiên hai hình thức này có sự khác biệt.

 

Đồng bảo hiểm là tập hợp nhiều doanh nghiệp cùng tham gia bảo hiểm cho 1 đối tượng bảo hiểm để cùng gánh chịu rủi ro theo như một tỷ lệ thỏa thuận. Theo Khoản 3, Điều 4, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Kinh doanh tái bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, nhận một khoản phí tái bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm khác để cam kết bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.

 

Tái bảo hiểm là hình thức mà các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng nhằm chuyển một phần trách nhiệm bảo hiểm cho một doanh nghiệp bảo hiểm khác, dựa trên cơ sở nhượng lại chi phí bảo hiểm thông qua hợp đồng bảo hiểm. Tái bảo hiểm có thể hiểu là bảo hiểm lại cho bảo hiểm. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ trở thành đối tượng được bảo hiểm.

 

dong-bao-hiem-la-gi-hinh2

Đừng nhầm lẫn khái niệm đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm

 

Kết luận

 

Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về đồng bảo hiểm là gì và ví dụ cụ thể về sự quan trọng của nó trong cuộc sống thực tế. Đồng bảo hiểm không chỉ giúp chia sẻ rủi ro mà còn đảm bảo tính bền vững của hợp đồng bảo hiểm. Việc hiểu rõ khái niệm này sẽ giúp bạn tự tin hơn trong việc bảo vệ tài sản và tài chính cá nhân trong tương lai. Hãy luôn xem xét kỹ trước khi ký kết hợp đồng đồng bảo hiểm và nắm vững quyền lợi của bạn.

>> Đọc thêm: Bảo hiểm thương mại là gì? Các loại bảo hiểm thương mại